Nguyên lưu Sông Cám

Nhánh phía đông xuất phát từ ngọn núi Hoàng Trúc thuộc dãy núi Vũ Di trong địa phận huyện Thạch Thành, gọi là Miên Thủy, chảy qua Thụy Kim, tại Hội Xương cùng Tương Thủy hợp lưu, gọi là Cống Thủy, chảy qua các huyện Vu Đô, Cám, quận Chương Cống, là chủ lưu của Cám Giang.

Nhánh phía tây là Chương Thủy, phát nguyên tại động Trương Sài trong núi Nhiếp Đô thuộc huyện Sùng Nghĩa, chảy qua các huyện Đại Dư, Thượng Do, huyện cấp thị Nam Khang, huyện Cám, tại quận Chương Cống hợp lưu với Cống Thủy tạo thành Cám Giang.

Hai sông Chương, Cống tại quận Chương Cống thuộc địa cấp thị Cám Châu hợp lưu gọi là Cám Giang. Sông này chảy ngoằn ngoèo về hướng bắc, qua các huyện Vạn An, Thái Hòa, Cát An, các quận Cát Châu, Thanh Nguyên, các huyện Cát Thủy, Hiệp Giang, Tân Can, các huyện cấp thị Chương Thụ, Phong Thành tới các huyện Tân Kiến, Nam Xương trong địa cấp thị Nam Xương rồi phân ra thành 4 phân lưu chảy vào hồ Bà Dương.

Phần thượng du sông Cám là miền núi, có nhiều chi lưu, với các chi lưu chủ yếu là Tương Thủy, Liêm Giang, Mai Giang, Bình Giang, Đào Giang, Thượng Do Giang v.v, hợp lưu với Chương Thủy hay Cống Thủy.

Đoạn chảy tới Tân Can là trung du. Cho tới Vạn An, do lòng sông xẻ dọc theo vách núi nên có nhiều hẻm hẹp và thác ghềnh với nước chảy xiết, nhưng sau khi trạm thủy điện Vạn An được xây dựng thì nhiều thác ghềnh đã biến mất. Từ Vạn An trở đi, lòng sông chảy vào bồn địa Cát Thái, lòng sông mở rộng, dòng chảy chậm lại, hai bên có các chi lưu như Cô Giang, Toại Xuyên Giang, Thục Thủy, Hòa Thủy, Lang Thủy nhập vào, lưu lượng dòng chảy tăng mạnh. Đoạn từ Cát Thủy tới Tân Can, cắt qua núi Vũ Công, tạo ra một hẻm núi dài.

Từ Tân Can trở đi là hạ du, địa hình đồi núi mất dần, lòng sông mở rộng, dòng chảy chậm lại. Ở đây có các chi lưu như Viên ThủyMiên Hà hợp lưu.